Audio
Hồ sơ vụ đổ vỡ nội bộ Hệ thống Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại
Đi tìm sự thật của những lời tố cáo từ hai phía
Mai Loan
Vào trung tuần tháng 9, một sự việc gây chấn động lớn trong giới truyền thông tiếng Việt khi nhà báo Lê Hồng Long chủ nhiệm của tạp chí Ngày Nay tại Wichita, tiểu bang Kansas và đồng thời cũng là nhà truyền thông Hồng Phúc, giám đốc chương trình của đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại (VNHN), tung ra trước công luận lá thư giải thích quyết định vì sao ông đã nghỉ việc khỏi đài này từ ngày 15-6-2009, tức là 3 tháng trước đó, và xin rút tên ra khỏi đài VNHN.
Nhưng điều gây ngạc nhiên và chấn động là bức thư này cũng tố cáo là ban giám đốc đài VNHN đã lợi dụng phương tiện của mình để đưa ra những thông tin sai sự thật về cá nhân ông, cũng như lý do vì sao ông đã rời khỏi đài. Sau khi đã nhẫn nhịn chịu đựng không lên tiếng vì không muốn gây xáo trộn cho sinh hoạt cũng như làm suy giảm niềm tin của thính giả giành cho đài VNHN trong thời gian 3 tháng, nhưng vì thấy ban giám đốc đài đã không đưa ra một lời giải thích nào cho thính giả và các cộng sự viên về việc làm của mình, mà ngược lại còn có những dư luận bôi bẩn cá nhân ông được tiếp tục loan truyền hầu đánh lạc hướng, nên vào ngày 6-9-2009 ông đã gửi một bức thư luân lưu trong nội bộ đài VNHN để công khai hoá lý do ông rời đài.
Lý do ông Hồng Phúc rời khỏi đài VNHN vì cho rằng ban giám đốc đài này đã có những hành động phản bội lại niềm tin của người Việt tị nạn Cộng sản qua nhiều hành động như có quan hệ mật thiết với Toà Đại Sứ Việt Cộng tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đến độ mở tiệc và mời cán bộ VC cao cấp đến dự; giám đốc giao tế (Dương Văn Hiệp) và giám đốc tài chánh (Lưu Lệ Ngọc) của đài qua lại Việt Nam; tổng giám đốc đài (Ngô Ngọc Hùng) qua Ba Lan tiếp xúc với cán bộ đảng viên Cộng Sản, sau này còn tuyên bố rằng đài VNHN sẽ có một văn phòng đại diện tài Sàigòn. Sau khi thấy lập trường chống Cộng dứt khoát của ông mà một người giám đốc khác gọi là cực đoan, ông Hồng Phúc đã bị cô lập. Ngoài ra, ông Hồng Phúc cũng tố cáo về chuyện thiếu minh bạch trong việc điều hành tài chánh vì trong suốt 12 năm hoạt động, chưa bao giờ có một báo cáo tài chánh được công bố, và đài đã nhân danh chống Cộng để kêu gọi đồng bào đóng góp tiền bạc, mời gọi các cộng tác viên làm việc không ăn lương, trở thành một tổ chức lợi dụng niềm tin của thính giả, buôn bán chính nghĩa.
Ông Hồng Phúc cũng thuật lại diễn tiến vài ngày sau đó (14-9-2009) đã có một bức email và lời trần tình trên làn sóng điện của ông tổng giám đốc Ngô Ngọc Hùng để biện minh cho việc vì sao “chúng tôi tiếp xúc với đảng viên Cộng Sản”. Mặt khác, vợ chồng ông bà Dương Văn Hiệp và Lưu Lệ Ngọc trong một buổi họp tại đài VNHN cũng đã nhìn nhận trong tiệc sinh nhật của bà Lệ Ngọc tại nhà hàng Heeben ở Virginia có mặt hai tên cán bộ của Toà Đại Sứ Việt Cộng đến dự. Như thế tức là những điều cáo buộc của ông Hồng Phúc trước đó đã được các đương sự nhìn nhận là sự thật.
Vì thế nên ông Hồng Phúc đã tung ra bức thư đề ngày 17-9-2009 để cho mọi người được biết rõ nội tình và giải thích lý do ông cô đơn và không thể làm gì được ngoài việc rút lui để bầy tỏ lập trường của mình, vì ban giám đốc có 4 người mà có đến 3 người đã giao du với Việt Cộng. Vấn đề còn lại là của thính giả, của cộng đồng, các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông khác và các cộng tác viên của đài VNHN. Ông mong mỏi được nghe tiếng nói dõng dạc, được đọc những dòng cao kiến của họ trên giấy trắng mực đen về lập trường của họ.
Bức thư của ông Hồng Phúc là một tin gây chấn động lớn khiến mọi người phải tò mò chú ý đến để tìm hiểu rõ ngọn ngành, vì không chỉ đơn thuần là những dị biệt giữa những người đã từng cộng tác và sát cánh làm việc với nhau trong một thời gian dài dưới cùng một chiến tuyến và trong cùng một cơ quan truyền thông. Nó khiến mọi người phải suy nghĩ để tìm hiểu sự thật, vì nếu như những lời cáo giác của ông Hồng Phúc là sự thật (từ một nhân viên cao cấp trong nội bộ) thì các thính giả và cộng sự viên của đài VNHN có mặt tại nhiều nơi trên thế giới dễ quyết định để có thái độ ứng xử thích hợp với đài.
Ngược lại, nếu như những lời tố cáo của ông Hồng Phúc không có mức độ xác tín cao, không có những bằng chứng cụ thể và không thể phủ nhận hay chối cãi được, mà chỉ là những suy luận theo cảm tính cá nhân, thì việc làm của ông cũng sẽ bị coi là một hành động đánh phá nặng nề đối với một cơ quan truyền thông lớn và có uy tín đối với khá đông thính giả gốc tị nạn hiện định cư tại nhiều nơi trên thế giới. Trong trường hợp đó, việc làm của ông Hồng Phúc có thể bị lên án là phá hoại công cuộc chung trong sứ mạng bảo vệ lý tưởng và tiếng nói của người Việt quốc gia ở hải ngoại.
Khách quan mà nói, đài VNHN gần như không được ba nơi có các cộng đồng người Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ biết đến, đó là vùng Little Saigon ở Orange County, vùng San Jose thuộc miền bắc California và thành phố Houston, tiểu bang Texas. Tại hai miền nam và bắc California, đa số cư dân có may mắn nghe được rất nhiều đài phát thanh, và gần đây là các đài truyền hình miễn phí theo hệ thống digital, với nội dung khá phong phú và ăn khách mặc dù là những đài thương mại do tư nhân làm chủ và sống nhờ vào quảng cáo của thân chủ là các doanh gia và dịch vụ trong vùng. Vì thế nên hầu như không ai biết đến đài phát thanh VNHN và do đó không hề hay biết gì về vụ rạn nứt rất trầm trọng trong nội bộ này, kể cả những vị chủ bút của nhiều diễn đàn truyền thông lâu năm.
Riêng tại Houston cũng gần như tương tự với hai vùng Orange County và San Jose, nhưng chỉ khoảng hai năm nay thì đài VNHN mới được phát thanh sau khi một đài địa phương là Tiếng Nước Tôi (TNT) bắt tay hợp tác với đài này sau khi đã chia tay và không còn hợp tác với hệ thống đài Tiếng NướcTôi từ trung ương ở San Jose. Tuy nhiên, đài TNT ở Houston cũng rất giới hạn người nghe vì mọi người phải mua một chiếc máy phát thanh đặc biệt để nghe làn sóng, trong khi mọi người đều có thể nghe trên làn sóng bình thường và không mất tiền, chương trình của hai đài phát thanh gạo cội hơn nhiều là Little Saigon Radio và đài Saigon – Houston. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác không đủ lớn và có đông người Việt cư ngụ để có một đài tư nhân có tầm cỡ, thì sự hiện diện của đài VNHN là một món ăn tinh thần cần thiết và quý báu cho nhiều cư dân, nhất là thành phần cao niên, và cũng cần thiết cho nhu cầu của một số thính giả tại Âu Châu qua mạng lưới Internet.
NỘI VỤ KHÁ RẮC RỐI VÀ KHÔNG DỄ KẾT LUẬN.
Trong việc đi tìm hiểu sự thật về những lời cáo buộc qua lại giữa đôi bên, người viết bài này đã cảm thấy rất nhức đầu vì phải nghe và đọc rất nhiều tài liệu từ cả hai phía đưa ra và có thể đi đến nhận định tạm thời là vấn đề không đơn giản để có thể kết luận một cách vội vàng và xác quyết là ai đúng ai sai, ai bắt tay với Việt Cộng để mua chuộc hay lũng đoạn tập thể người Việt quốc gia, ai là người có âm mưu “đón gió trở cờ”, hoặc ai là người cố ý hay vô tình bị mắc bẫy để “thi hành Nghị quyết số 36” của Việt Cộng.
Bởi lý do rất đơn giản là những thứ có thể gọi là “bằng chứng” để biện minh cho lập trường và thái độ của mỗi bên cũng chưa hẳn là một loại “tang chứng nóng hổi”, nói theo thuật ngữ trong giới truyền thông Hoa Kỳ là “smoking gun”, tức là chẳng hạn như một khẩu súng còn bốc khói mà người ta bắt được quả tang hung thủ đang cầm trong tay sau khi vừa mới bắn vào nạn nhân.
Quan trọng hơn nữa là những lời nói được đưa ra ánh sáng hiện nay cũng chỉ được thực hiện trên những diễn đàn gần như một chiều, và do đó người nghe sẽ phải chứng kiến cảnh “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Trên làn sóng của đài VNHN trong thời gian gần đây với nhiều chương trình, đặc biệt là trong mục “Trả Lời Thư Tín”, thính giả đã có dịp nghe rất nhiều phần trả lời của ông tổng giám đốc Ngô Ngọc Hùng và bà giám đốc tài chánh Lưu Lệ Ngọc liên quan đến những sự việc được nêu ra trong lá thư của ông Hồng Phúc. Đồng thời, thính giả cũng nghe được rất nhiều lời góp ý của thính giả và các cộng tác viên khác của đài gọi vào để nói lên quan điểm của họ, với nội dung đa phần mang tính cách lên án việc làm của ông Hồng Phúc, trong nhiều trường hợp có phần khá gay gắt và cũng bị chỉ trích là mang mầu sắc cực đoan không khác gì những màn đấu tố. Đặc biệt là những lời nói của ông Nguyễn Tường Thược, cộng tác trong chương trình của Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, với những lời nói nặng tính võ biền và hàm hồ, nhất là với một cựu cộng tác viên và đã từng là giám đốc chương trình như ông Hồng Phúc. Ngoài ra cũng còn có thêm hai cộng tác viên khác là Ngũ Lang và Nguyễn Anh Kim cũng có chiều hướng tương tự, chỉ trích mạnh mẽ việc làm của ông Hồng Phúc là quá hồ đồ khi quy tội cho đài VNHN (tức là toàn thể các cộng sự viên) giao du mật thiết với Việt Cộng mà không có bằng chứng cụ thể cũng như không nghe những lời phản biện của những người bị buộc tội, tuy rằng với những lời lẽ không cứng rắn thô bạo bằng ông Thược.
Ngược lại, về phía ông Hồng Phúc cho đến nay đã có diễn đàn Chính Nghĩa (www.chinhnghia.com) đã cho đăng nhiều bài tường thuật lại các cuộc phỏng vấn của ông Hồng Phúc để nói đến nhiều chi tiết biện minh cho những lời tố giác của ông. Ngoài ra cũng có các bài khác với phần ghi âm của nhiều chương trình của nhiều cộng tác viên khác như bà Hoàng Lan Chi (tại Virginia), các ông Huỳnh Quốc Bình (Oregon), Đoàn Trọng Hiếu (New Mexico) bầy tỏ sự bất bình của họ đối với cung cách ứng xử của ban giám đốc đài VNHN, nhất là của ông tổng giám đốc Ngô Ngọc Hùng, đã tìm cách tránh né trả lời thẳng những khúc mắc của vấn đề trong một chiến thuật được gọi là “đánh bùn sang ao”. Để rồi từ đó, họ chính thức lên tiếng chỉ trích thái độ và việc làm này, đồng thời cũng chính thức rút tên không còn cộng tác với đài VNHN. Tuy nhiên điều hơi tiếc là diễn đàn Chính Nghĩa dường như cũng đã có chuyện không thuận thảo với ban giám đốc đài VNHN trong quá khứ nên những người đang ủng hộ đài VNHN lại có thể biện minh rằng diễn đàn Chính Nghĩa cũng chỉ muốn tiếp tay đánh phá họ bằng cách lập lại và phổ biến rộng rãi những lời tố cáo của ông Hồng Phúc.
Do đó, sự hoang mang của thính giả còn lại, cũng như đối với người bàng quan không nắm rõ sự việc là điều dễ hiểu, trong cái bối cảnh cả hai bên đều nói đến phần tốt của mình và chỉ trích phần xấu của đối phương (dù cả hai đều cho mình là thành phần quốc gia có lập trường cương quyết chống Cộng). Ngay cả nhiều người sống lâu năm ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn là nơi đặt trụ sở của đài VNHN và có quen biết thân thiết và lâu năm với nhiều cộng tác viên thuộc hai bên cũng cảm thấy nhức đầu để không thể đưa ra kết luận dễ dàng và mau chóng vì vấn đề này thật ra phức tạp hơn nhiều người nghĩ. Một vị chủ nhiệm kiêm chủ bút một cơ quan truyền thông lâu năm trong vùng đã nói với người viết bài này rằng “Chắc chắn là độc giả sẽ theo dõi vụ này rất rộng rãi. Mọi người đều chỉ muốn trắng đen được rõ ràng, còn việc theo Việt Cộng hay không đó là quyền của họ, vì đây là đất nước tự do.”
SỰ THIẾU VẮNG MỘT CUỘC ĐỐI CHẤT CÔNG KHAI.
Điều duy nhất để giúp độc giả và những người ở giữa có thể cảm nhận rõ hơn về nội tình của vấn đề này nếu như có một cuộc tranh luận công khai giữa hai phía, trong đó những điều được nêu lên từ bên này phải được phía bên kia đối chất lại, và đảo ngược lại vai trò. Tức là những lời tố cáo của ông Hồng Phúc phải được phía bên ban giám đốc đài VNHN và những cộng sự viên còn ủng hộ được dịp biện minh hay phân trần và đồng thời có thể tố ngược lại vì sao ông Hồng Phúc trước đó cả năm trời đã không lên tiếng và giờ đây mới bất ngờ tung ra. Ngược lại, những lời biện minh của ông Ngô Ngọc Hùng và bà Lưu Lệ Ngọc hoặc của các cộng sự viên khác như Nguyễn Tường Thược, Ngũ Lang, Nguyễn Anh Kim cần phải để cho ông Hồng Phúc được quyền đặt những câu hỏi tiếp theo, một hình thức “cross examination” rất phổ thông trong bất cứ cuộc tranh luận nào tại toà án để giúp cho bồi thẩm đoàn (là những người ngoại cuộc) có thể cảm nhận được luận cứ của bên nào có mức đáng tin cậy cao hơn.
Những ai sống lâu năm tại Hoa Kỳ, và có chút kiến thức về Anh văn để được dịp xem những chương trình truyền hình lý thú về sinh hoạt tranh tụng tại toà án như các shows LA Law, The Practice, Boston Legal, hoặc các phim Perry Mason đều thấy rõ những mâu thuẫn gây bối rối và hoang mang không ít cho người xem (và bồi thẩm đoàn) trong những phút đầu của một phiên xử tại toà án. Trong phần đầu phiên xử, mỗi bên (nguyên đơn và bị đơn) đều được quyền đưa ra lời nhập đề của mình, gọi là opening statement. Về phía bên biện lý, đó là cáo trạng buộc tội với đầy đủ lời giải thích rất lớp lang và chí lý để mọi người mới nghe xong đều tin chắc rằng bị đơn (defendant) rõ ràng là người phạm tội. Nhưng sau khi nghe phần nhập đề của luật sư biện hộ, cũng với những lời lẽ hùng hồn và luận cứ sắc bén, đanh thép để giải thích những sự kiện đằng sau của những hành động như bắn súng hoặc đâm chém, người nghe bỗng cảm thấy rằng dường như sự việc không đơn giản như mọi người nghĩ lúc ban đầu, và trong nhiều trường hợp, có thể người bị buộc tội (cho dù là với bằng chứng hiển nhiên) cũng có cái lý do chính đáng của họ khi ra tay. Vì thế nên họ (và bồi thẩm đoàn) bỗng đâm ra hoang mang, chứ không còn tự tin như lúc ban đầu.
Chỉ đến khi nào đi vào phần cung khai trước toà, nhất là ở phần cross examination, tức là phía luật sư biện hộ cật vấn các nhân chứng đưa ra từ phía công tố, hoặc là từ phía công tố viên cật vấn lại những nhân chứng biện minh cho bị đơn, thì người ta có thể bắt đầu nhìn nhận ra những sơ hở của đôi bên nếu có, chẳng hạn như khi họ ngập ngừng, không trả lời thoải mái, hoặc có những câu trả lời có phần mâu thuẫn đối với những điều mà họ đã cung khai lúc trước.
Tiếc thay, trong hoàn cảnh hiện nay, một cuộc đối chất công khai như trên không thể được thực hiện, cho dù là chỉ trong nội bộ của đài VNHN theo như yêu cầu của một số các cộng tác viên trong thời gian qua, nhất là sau khi ông Hồng Phúc đã rời khỏi đài, và đã có nhiều việc liên lạc qua lại bằng email để giải quyết vấn đề này nhưng đã không đi đến kết quả khả quan. Do đó, khi sự việc nổ bùng ra công khai như hiện nay, việc đối chất càng khó hơn nữa, và chắc chắn là những nhà báo độc lập như người viết bài này, cũng không có đủ thẩm quyền để buộc hai bên cung ứng cho mình đầy đủ những dữ kiện, cũng như chịu đồng ý cho phỏng vấn dễ dàng để mong cung ứng đầy đủ thông tin cho rộng đường dư luận.
Cho đến nay, nhà báo Hồng Phúc đã trả lời riêng cho người viết bài này qua vài cuộc điện đàm khá lâu, và hứa cung cấp những tài liệu để biện minh cho những lập luận của mình, nhưng chưa đưa ra có thể vì chưa thuận tiện. Riêng với ban giám đốc của đài VNHN, chúng tôi đã gửi thư đến đài hai lần qua email, và sau đó cũng qua trung gian một người thứ ba trong vùng Hoa Thịnh Đốn. Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được hồi đáp của bà Sophie Duơng (Lưu Lệ Ngọc) ngỏ lời xin lỗi phúc đáp chậm trễ vì quá bận rộn trong vài ngày qua và sau đó là những hồ sơ đính kèm dưới dạng audio files của các chương trình thính giả gọi vào hoặc của các cộng tác viên và một bài viết của ông Lê Hùng, cộng tác viên cho đài tại thủ phủ Austin, Texas. Nội dung của những hồ sơ đính kèm này có phần bênh vực và tiếp tục tin tưởng vào việc làm của ban giám đốc đài VNHN. Dĩ nhiên, những điều đó không thể nào bằng được chính sự trả lời từ phía các đương sự (ông Ngô Ngọc Hùng và vợ chồng ông Dương Văn Hiệp – Lưu Lệ Ngọc) đối với những người muốn đặt những câu hỏi và phỏng vấn như người viết bài này.
Vì lý do đó mà chúng tôi tiếp tục kiên nhẫn theo dõi những nguồn tin khác nhau được cung cấp bởi nhiều nguồn khác nhau để tìm hiểu về những diễn tiến cũng như trao đổi trong nội bộ, và cả những cuộc tranh luận xuyên qua những chương trình hội thoại dưới hình thức như Trả Lời Thư Tín hoặc các chương trình riêng của từng cộng tác viên của đài. Mục đích là để nắm vững vấn đề và tổng hợp phân tích sự kiện cho xác đáng để không mất thì giờ vào những tranh cãi có tính cách tiểu tiết, hầu giúp cho độc giả có thể nhìn xuyên qua một số những sự việc đã xảy ra để từ đó có thể rút ra kết luận cho mình, hoặc nhìn ra sự thật nằm ẩn tàng đâu đó bên dưới những sự kiện có thể rất thông thường, không đáng chú ý.
NHỮNG LỜI CÁO GIÁC CHƯA ĐỦ SỨC THUYẾT PHỤC.
Khách quan mà nói, việc cáo giác hay kết án một người nào đó làm việc có lợi cho cộng sản không phải là chuyện dễ dàng và có sức thuyết phục cao. Hiện nay, cả hai bên trong vụ này đều tố cáo việc làm của bên kia là có lợi cho cộng sản, và thoạt mới nhìn, thì điều đó cũng không phải là không có lý nếu xét về mặt thuần lý luận. Điều ông Hồng Phúc tố giác ban giám đốc đài VNHN phản bội lại niềm tin của người Việt tị nạn vì đã có quan hệ mật thiết với cán bộ cộng sản trong Toà Đại Sứ hoặc gặp gỡ tại Ba Lan, hoặc đi về Việt Nam v.v. thì đã rõ ràng trong bức thư công bố ngày 17-9 vừa qua. Bù lại, phía các thính giả và một số các cộng sự viên khác tiếp tục tin tưởng vào ban giám đốc và chỉ trích việc làm của ông Hồng Phúc gây hoang mang nhằm triệt hạ uy tín của đài theo đúng với tinh thần của Nghị quyết 36 cũng không phải là không có lý theo lập luận của những người này. Họ cho rằng việc làm của ông Hồng Phúc có hậu quả là gây chia rẽ trầm trọng cho đài và có thể dẫn đến việc làm suy sụp một cơ quan truyền thông có uy tín và tầm cỡ của cộng đồng người Việt quốc gia tại nhiều nơi.
Đề tài này quá rộng lớn, và khó để tóm gọn được vì gần như không bên nào có đủ bằng chứng xác quyết để buộc tội bên kia, thuộc loại “smoking gun” không thể chối cãi được. Nói cho cùng, tất cả đều dùng cái “gut feeling” của mình để đánh giá sự việc, theo thói quen, kinh nghiệm và cảm nhận riêng của mình, nhưng cũng chưa chắc đủ yếu tố thuyết phục cao với những người khác.
Hãy lấy thí dụ như việc gặp gỡ một người thuộc về phía bên kia tự nó cũng không có nghĩa là bằng chứng xác quyết để kết tội là họ giao du với Việt Cộng, hoặc làm lợi cho Cộng Sản. Còn phải có nhiều yếu tố khác đi kèm, như là gặp ở đâu, gặp vào thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào, gặp với mục đích gì, gặp riêng rẽ có tính cách bí mật hay ở nơi công cộng có sự chứng kiến của nhiều người khác v.v. . . Thêm những chi tiết đó cũng chỉ mới giúp cho mình có thể nghiêng nhiều phần kết luận về một chiều hướng nào đó, tuy rằng cũng vẫn chưa thể xác quyết được. Đó là chưa kể đến hoàn cảnh gia đình riêng biệt của mỗi người, trong cuộc chiến phân tranh kéo dài trên đất nước cả nửa thế kỷ qua mà nhiều gia đình bị phân ly và các thành viên đã từng đứng ở hai chiến tuyến đối nghịch, sự kiện một người nào đó có thân nhân xa gần là đảng viên cộng sản cũng không hẳn là bằng chứng hùng hồn không thể chối cãi để buộc tội người đó đã làm lợi cho Việt Cộng.
Thêm nữa, bối cảnh ngày nay cũng khó để biện minh hay bào chữa rằng một người nào đó không thể chạy theo phía Việt Cộng được, vì quá trình tù tội của họ trong lao tù cộng sản, vì thành tích chống Cộng bấy lâu nay của họ v.v. . . Hãy lấy thí dụ của ông cựu phó tổng thống và cựu thủ tướng VNCH là Nguyễn Cao Kỳ thì rõ ngay. Có người nào có thành tích chống Cộng quyết liệt và dũng mãnh cho bằng ông Tướng Râu kẽm này, nhưng rồi thời thế cũng đổi thay và cuối cùng ông ta cũng đã thay đổi và quyết định hợp tác với Việt Cộng mặc cho biết bao lời nguyền rủa của dân gian để trở thành “lưu xú vạn niên”. Tuy nhiên, ở một góc cạnh nào đó, người ta cũng có thể khen ngợi là ông Kỳ cũng có cái can đảm phi thường và đáng nể của ông, vì đã dám ngang nhiên nói lên quan điểm của mình và chấp nhận hậu quả đưa tới từ sau quyết định của ông ta. Chỉ có những thành phần mập mờ, đánh lận con đen, ngoài miệng nói chống Cộng hăng say nhưng có những hành động đi đêm kín đáo bắt tay với Việt Cộng thì mới đáng khinh và nguy hiểm hơn nhiều.
Trớ trêu hơn nữa, việc cáo buộc một người nào đó hoặc một cơ quan truyền thông nào làm việc có lợi cho cộng sản là việc ai cũng có thể làm được, nhưng trong nhiều trường hợp cũng dễ bị người khác cáo buộc ngược trở lại. Và điều này dẫn đến hậu quả là nhiều người hoang mang, hoặc chán nản và nghi ngờ tất cả những lời cáo buộc hay chỉ trích.
PHẢN ỨNG KHI CÓ MỘT NHÂN VIÊN RA ĐI.
Việc một cơ quan ngôn luận có những phản ứng kiểu như im lặng khi có một nhân viên trụ cột ra đi là điều đáng tiếc tuy rằng đó là quyền tự do của cơ quan này, nhất là khi nhiều tờ báo hay các đài phát thanh thường hô hào cơ quan truyền thông của họ là để phục vụ cho quần chúng, và chính độc giả hay khán thính giả khắp nơi mới là chủ nhân đích thực, vì còn có thành phần này tiếp tục nghe và đọc thì các tờ báo hay đài truyền thông đó mới sống được. Độc giả hay thính giả của các tờ báo hay các đài phát thanh có quyền được nghe giải thích lý do của những sự ra đi này. Vì trong một chừng mực nào đó, độc giả và thính giả có thể đã gắn bó với tên tuổi của một nhà báo nào đó trong các cơ quan ngôn luận. Và họ có quyền tìm hiểu lý do vì sao người đó đã ra đi, vì lý do cá nhân hoặc vì khác biệt lập trường, để có thể quyết định xem có nên duy trì sự ủng hộ với tờ báo hay đài phát thanh này. Hai cơ quan truyền thông lớn trong vùng Orange County là Little Saigon Radio và tờ Người Việt thường lại không có lời giải thích nào về sự ra đi bất ngờ của nhiều người, nên từ đó mới có nhiều lời đồn đãi. Nhưng có một thí dụ hơi khác biệt có thể được đem ra làm thí dụ là cách giải quyết vấn đề của tờ SàiGòn Nhỏ và bà chủ nhiệm Hoàng Dược Thảo, trong những dịp khi có một người cộng tác lâu năm bỗng nhiên không còn cộng tác nữa.
Tờ SGN cũng đã có sự ra đi của hai ngòi bút quan trọng trong năm 2008. Bà Hoàng Dược Thảo trong cương vị chủ nhiệm, chủ bút hệ thống SGN và nguyệt san Tân Văn đã viết thư cho các bạn văn, cho các độc giả thông báo chính thức việc ngưng cộng tác này. Việc làm này giúp cho độc giả dễ dàng quyết định. Nếu như họ ủng hộ hay tin tưởng mạnh mẽ vào hai ngòi bút này thì họ có thể tẩy chay SGN sau đó, bằng ngược lại họ vẫn tiếp tục tìm đọc SGN thì điều đó chứng tỏ là họ hài lòng với quyết định cho ông ta nghỉ việc và mọi người có quyền đánh giá và lựa chọn các ngòi bút để ủng hộ. Tiếc thay, hầu như những cơ quan truyền thông lớn khác trong vùng như đài Little Saigon Radio và tờ nhật báo Người Việt đã không dám làm việc này khi có những nhân vật trụ cột bỗng một sớm một chiều vắng bóng một cách bất ngờ, và mãi một thời gian sau độc giả và thính giả mới biết được tin một cách rất gián tiếp. Điều này khiến cho nhiều người hoang mang không biết bên nào đúng hay sai để dễ dàng có thái độ.
Riêng trong vụ của đài VNHN hiện nay với sự ra đi của ông Hồng Phúc, sự kiện ông chính thức xin nghỉ việc từ ngày 15-6 với nhiều lý do được nêu ra trong văn bản, nhưng vẫn không được ban giám đốc giải quyết một cách công khai khiến ông phải buộc lòng đưa ra công luận vào ngày 17-9 vừa qua (tức là hơn 3 tháng sau đó) cho thấy là ở điểm này, ban giám đốc của đài VNHN đã hành xử rất yếu kém, vụng về và thiếu chuyên nghiệp, chưa xét đến việc bên nào đúng bên nào sai, hoặc bên nào có lý hơn.
Tuy nhiên, như đã nói ở phần đầu, chúng tôi cũng chưa thể có kết luận gì trong vụ này và vẫn tiếp tục tìm hiểu thêm nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, phỏng vấn nhiều nhân vật có dính líu xa gần đến nội vụ để có thể lắng nghe ý kiến từ mọi phía để rộng đường dư luận. Cuộc điều tra vẫn còn kéo dài, và tốn kém khá nhiều thời giờ, chỉ nội riêng việc phải nghe hết các đoạn băng thu âm và đọc nhiều tài liệu trao đổi thông tin trong nội bộ cũng chiếm mất một thời gian lớn.
Tin giờ chót cho hay là có ít nhất ba cộng tác viên là bà Hoàng Lan Chi (ở Virginia), mục sư Huỳnh Quốc Bình (ở Oregon) và ông Đoàn Trọng Hiếu (New Mexico) cùng với một người phụ tá là Thái Văn Hoàng đã chính thức xin rút lui khỏi hệ thống truyền thanh VNHN với lý do chính không phải là tin tưởng vào những lời tố cáo của ông Hồng Phúc, mà là để phản đối thái độ và cung cách hành xử của ban giám đốc đài VNHN trong những ngày qua. Ông Bình, phụ trách chương trình “Chúng ta và Thời cuộc”, phản đối vì ban giám đốc và nhiều người khác đã dùng những biện pháp để “bịt miệng” ông ta ngay trên chính chương trình do ông phụ trách bằng những mánh khoé về kỹ thuật “chỉ có thể gạt những người không am tường”. Cũng chính sự việc này đã khiến bà Hoàng Lan Chi quyết định thôi cộng tác với đài VNHN vì đã phải chứng kiến một sự việc cướp diễn đàn “trắng trợn và bỉ ổi” và ban giám đốc đài VNHN đã để cho nhiều người “hành xử không khác gì Việt Cộng, ngang nhiên cướp như Việt Minh cướp chính quyền năm 1945”. Mà nạn nhân của những vụ cướp diễn đàn, bịt miệng này lại là những cộng tác viên đắc lực và có uy tín với những chương trình được nhiều thính giả hoan nghênh và khen ngợi nhất như chương trình của ông Bình. Còn riêng ông Đoàn Trọng Hiếu thì quyết định ra đi vì “là một người lính còn liêm sỉ và tự trọng, nên không thể tiếp tục đứng trong VNHN vì đã để cho một số cộng tác viên có thái độ như vậy.” (những thái độ như bịt miệng ông Bình, rồi vi phạm những thoả thuận tạm thời không lên tiếng để tiếp tục lên làn sóng tấn công những cộng tác viên không đứng về phe mình).
Nói theo ngôn ngữ phổ thông trong làng báo Hoa Kỳ, xin độc giả hãy tiếp tục kiên nhẫn để tiếp tục theo dõi nội vụ. Stay tuned!
Mai Loan
Mailoan74@yahoo.com
Houston, Texas 29-09-2009